Những loại hồ sơ môi trường cần thiết cho doanh nghiệp theo từng giai đoạn

Những loại hồ sơ môi trường cần thiết cho doanh nghiệp theo từng giai đoạn

Ở mỗi giai đoạn hoạt động doanh nghiệp cần có những loại hồ sơ môi trường khác nhau tùy theo từng nhu cầu cũng như phạm vi hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Vậy những loại hồ sơ môi trường mà doanh nghiệp cần phải thực hiện là gì? Thực hiện ở giai đoạn nào?

1. Hồ sơ môi trường là gì?

Hồ sơ môi trường là các loại hồ sơ liên quan đến các vấn đề về môi trường, đây là các loại hồ sơ giúp cơ quan chức năng hiểu rõ hơn các tác động của doanh nghiệp đến môi trường sống như: đất, nước, không khí… Các loại hồ sơ này tạo sự ràng buộc về pháp lý đối với doanh nghiệp, tránh những tác động tiêu cực đến môi trường sống trong quá trình hoạt động chính thức.

Các loại hồ sơ môi trường còn giúp tạo sự uy tín cho doanh nghiệp, xây dựng được môi trường lao động lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các nước đã đăng ký tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phòng tránh các bệnh nghề nghiệp…

Trước khi doanh nghiệp muốn được kiểm duyệt, phê duyệt dự án kinh doanh, hoạt động sản xuất, dịch vụ thì cần phải thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ môi trường theo quy định của nhà nước:

– Căn cứ theo Luật môi trường số 72/QH14/2020 (Hiệu lực 01/01/2020);

– Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Hiệu lực 10/01/2022);

– Thông tư 02/2022/TT-BTNMT (Hiệu lực 10/01/2022).

2. Các loại hồ sơ môi trường cần thiết theo từng giai đoạn

2.1 Trước khi đi vào hoạt động

a) Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Tất cả các dự án kinh doanh, cơ sở sản xuất, dịch vụ trước khi đi vào hoạt động cần thực hiện báo cáo  Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Hiệu lực 10/01/2022).

Căn cứ Khoản 7, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 “Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. 

Đối tượng thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được căn cứ theo Điều 30 Luật bảo vệ môi trường 2020:

– Dự án đầu tư thuộc nhóm I quy định tại Khoản 3, Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020;

– Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điểm c, d, đ, e Khoản 4, Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2020;

– Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật bảo vệ môi trường 2020 thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện Đánh giá tác động môi trường. 

b) Giấy phép môi trường (GPMT)

Đối với những doanh nghiệp đã được phê duyệt Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) doanh nghiệp sẽ tiếp tục quy trình thành thực hiện xin cấp Giấy phép môi trường (GPMT):

Theo Khoản 8, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020, “Giấy phép môi trường (GPMT) là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.

Đối tượng thực hiện: Theo Điều 39 Luật bảo vệ môi trường 2022: 

– Trường hợp 1: Các dự án nhóm I, II, III có phát sinh chất thải, bụi, khí thải, nước thải ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

– Trường hợp 2: Các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 (Theo các nhóm đối tượng quy định tại Trường hợp 1) cần phải chuyển đổi qua giấy phép môi trường theo Luật mới.

Thời hạn của Giấy phép môi trường (GPMT): 7 năm với tiêu chí môi trường nhóm I và 10 năm với tiêu chí môi trường nhóm II và III. 

c) Đăng ký môi trường 

“Đăng ký môi trường là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ”. Thời hạn của Đăng ký môi trường là vĩnh viễn.

Đối tượng thực hiện Đăng ký môi trường: Tại Điều 49 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định:

– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường (GPMT);

– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày 01/01/2022 có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường (GPMT).

Căn cứ theo Điểm c, Khoản 6, Điều 49 “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điểm b, Khoản 1 điều này phải Đăng ký môi trường thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Theo đó thời gian thực hiện Đăng ký môi trường đối với các doanh nghiệp đã đi vào họat động trước ngày 01/01/2022.

d) Vận hành thử nghiệm

 Sau khi có Giấy phép môi trường đối với các sơ sở sản xuất, kinh doanh có hệ thống xử lý chất thải được quy định tại Khoản 1, Điều 46 Luật bảo vệ môi trường và Khoản 1 Điều 31 Nghị định 08/2020/NĐ-CP (Hiệu lực 10/01/2022) cần phải tiến hành vận hành thử nghiệm trước khi hoạt động nhằm tránh những rủi ro khi đi vào hoạt động chính thức. 

2.2 Dự án sau khi đi vào hoạt động

a) Lập Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động

Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động là hồ sơ quản lý các yếu tố có hại trong điều kiện và môi trường lao động ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, đồng thời thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp và nâng cao khả năng lao động cho người lao động. 

Tất cả cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học,… có sử dụng lao động thì đều phải thực hiện Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động. 

Thời gian thực hiện 1 lần/năm. 

b) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Theo Khoản 2, Điều 66, thông tư 02/2022/TT-BTNMT đối tượng phải lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường là tất cả các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh: chất thải, nước thải, khí thải.

Đối tượng được miễn Đăng ký môi trường theo Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Hiệu lực 10/01/2022) thì không cần lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Share this post