Kiểm kê khí nhà kính

1. KHÍ NHÀ KÍNH LÀ GÌ?

Khí nhà kính (KNK) là thành phần thể khí của khí quyển, cả từ tự nhiên và do con người hấp thụ và bức xạ ở các bước sóng riêng trong phổ bức xạ hồng ngoại do bề mặt trái đất, khí quyển và các đám mây phát ra.

KNK bao gồm cacbon dioxit (CO2), metan (CH4), dinitơ oxit (N2O), các hợp chất hydro florua cacbon (HFCs), các hợp chất perflorua cacbon (PFCs), và sufua hexaflorit (SF6). Ngoài ra, đơn vị thống kê KNK được sử dụng chính là Cacbon dioxit tương đương (carbon dioxide equivalent), được ký hiệu là CO2e

2. KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH LÀ GÌ?

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn” được Chính phủ ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2022 quy định:

“Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”

3. TẠI SAO CẦN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH?

Cùng với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, việc kiểm kê KNK sẽ trở thành bắt buộc đối với gần 2000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra việc kiểm kê KNK sẽ đem lại các lợi ích sau cho doanh nghiệp:

  • Hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước về quản lý môi trường;
  • Chủ động nắm bắt được tình hình phát thải của doanh nghiệp;
  • Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải trong tương lai, hạn chế rủi ro liên quan đến việc phát thải khí nhà kính vượt tiêu chuẩn;
  • Tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm liên quan tới biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường;
  • Nâng cao hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0  hay còn gọi là Net Zero vào năm 2050.

4. ĐỐI TƯỢNG PHẢI THỰC HIỆN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

Cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
  • Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

5. CÁC LĨNH VỰC VÀ LỘ TRÌNH KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

Có 06 Lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính:

i) Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; Khai thác than; Khai thác dầu và khí tự nhiên.

ii) Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

iii) Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; Các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

iv) Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; Luyện kim; Công nghiệp điện tử; Sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

v) Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; Lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; Trồng trọt; Tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.

vi) Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; Thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; Xử lý và xả thải nước thải.

Lộ trình kiểm kê khí nhà kính 

Dựa trên những cuộc họp và dữ liệu thực tế và luật đã được thông quá việc xây dựng có lộ trình cơ bản sau:

  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2023-2025;
  • Năm 2023: Cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính;
  • Năm 2024: Kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê 02 năm/1 lần;
  • Năm 2025: Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; trước thời điểm 31/12/2025: phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 2026-2030, gửi BộTài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan;
  • Giai đoạn 2026-2030: giảm phát thải, trao đổi tín chỉ cacbon.

6. QUY TRÌNH KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH CẤP CƠ SỞ

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2024, quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.

Kết luận

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng vấn đề biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của KNK, việc thực hiện kiểm kê KNK trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Qua việc xác định nguồn gốc và lượng KNK thải ra, tổ chức có thể phát triển các biện pháp giảm thiểu và tăng cường môi trường kinh doanh bền vững.

Bằng cách thực hiện kiểm kê KNK, tổ chức không chỉ đáp ứng yêu cầu quy định và tiêu chuẩn, mà còn tăng cường uy tín và niềm tin của khách hàng, đối tác và cộng đồng đối với tổ chức. Đồng thời, việc thực hiện kiểm kê KNK giúp tổ chức tối ưu hóa quản lý tài nguyên, giảm thiểu chi phí vận hành và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Tóm lại, kiểm kê KNK không chỉ là một nghĩa vụ của các tổ chức mà còn là một cơ hội để thể hiện cam kết và sự lãnh đạo trong việc bảo vệ môi trường. Với sự tăng cường nhận thức về tác động tiêu cực của KNK, việc thực hiện kiểm kê Khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho chúng ta và các thế hệ tương lai.

Nếu Quý khách hàng cần thêm thông tin chi tiết liên quan đên thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hãy gọi ngay đến Hotline: 0909-714-566 hoặc để lại thông tin TẠI ĐÂY để Chugai Technos nhanh chóng liên hệ để giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ.